Việc ứng dụng các tiêu chuẩn kỹ
thuật tiên tiến vào ngành y tế đã được thực hiện trong khoảng thời gian gần đây
và mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Bệnh án điện tử (BAĐT), hay còn gọi là
EMR (Electronic Medical Record), là những dữ liệu, thông tin được "số
hóa" từ bệnh án thực của bệnh nhân mỗi lần vào viện khám/điều trị. Về mặt
lý thuyết, tất cả các thông tin hành chính (tên tuổi, giới tính, địa chỉ, bảo
hiểm v.v.), thông tin lâm sàng (bệnh sử, dị ứng, triệu chứng, chẩn đoán v.v.)
và thông tin cận lâm sàng (xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh v.v.) đều được lưu trữ
vào BAĐT. Phần lớn những thông tin này sẽ được lưu giữ trong hệ thống thông tin
bệnh viện (Hospital Information System - HIS) và hệ thống lưu trữ và truyền nhận
hình ảnh (Picture Archiving and Communication System - PACS).
Nếu HIS tuân thủ theo một chuẩn
chung, thông tin hai chiều giữa các phòng ban, giữa các khoa trong bệnh viện,
và giữa các bệnh viện với nhau có thể được trao đổi. Tuy nhiên, hiện các hệ thống
này đang sử dụng các tiêu chuẩn khác nhau trong định dạng các trường dữ liệu của
hồ sơ bệnh án điện tử do chúng được xây dựng phát triển theo nền tảng riêng của
mỗi nhà cung cấp. Do không có một tiêu chuẩn dữ liệu chung, mối liên kết hiện
nay giữa HIS và các nhóm dữ liệu khác là rất ít. Hơn nữa, mối liên kết HIS giữa
các cơ sở khám chữa bệnh là không có. Bên cạnh đó, hệ thống PACS sử dụng tiêu
chuẩn quốc tế DICOM (Digital Imaging and Communications in Medicine) với định
hướng trung tâm là loại dữ liệu hình ảnh chẩn đoán, thường tách biệt với hệ thống
EMR được khuyến nghị sử dụng tiêu chuẩn HL7 FHIR (Health Level Seven, Fast
Health Interoperability Resources) cho dữ liệu dạng văn bản.
Mục đích của đề tài/giải pháp là
xây dựng hệ thống tích hợp, chuẩn hóa, lưu trữ và liên thông dữ liệu hồ sơ bệnh
án điện tử
nhằm khắc phục một số
vấn đề về
khả năng liên thông và tính nhất quán trong nhập liệu thông tin lâm sàng.
Theo đó, hệ thống đề xuất có thể tạo ra các dữ liệu hồ sơ bệnh án điện tử sử dụng
tiêu chuẩn dữ liệu hồ sơ bệnh án điện tử chung thống nhất, nhờ đó có thể cho
phép các hồ sơ bệnh án điện tử có thể được liên thông giữa các bệnh viện và/hoặc
cơ sở khám chữa bệnh khác nhau một cách thuận lợi. Cụ thể, hệ thống đề xuất có
thể tạo ra lưu trữ các dữ liệu hồ sơ bệnh án điện tử có các trường dữ liệu
thích hợp với các trường dữ liệu tiêu chuẩn quốc tế trong FHIR và các trường dữ
liệu chuẩn bổ sung có trong các hồ sơ bệnh án thực tế theo quy định tại Việt
Nam nhưng không có trong FHIR, để đảm bảo chuẩn hoá và lưu trữ các thông tin của
các hồ sơ bệnh án thực tế một cách thống nhất và đầy đủ. Theo một phương án,
các thuật ngữ lâm sàng thống nhất trong khối danh mục nêu trên có thể được đưa
ra dựa trên các danh mục thuật ngữ theo SNOMED CT (Systematized Nomenclature of
Medicine-Clinical Terms), ICD-10 (International Classification of Diseases) và
LOINC (Logical Observation Identifiers Names and Codes), nhờ đó một số trường dữ
liệu nhập dưới dạng văn bản tự do có thêm tùy chọn nhập theo danh mục thuật ngữ
SNOMED CT, ICD-10 và LOINC.
Mặt khác, đề tài/giải pháp không phụ thuộc
vào bất cứ thiết bị phần cứng hoặc phần mềm độc quyền nào nên có nhiều thuận lợi
cho việc triển khai ứng dụng trong thực tiễn, đặc biệt là các đơn vị khởi nghiệp
trong lĩnh vực hệ thống thông tin y tế.
Hình 1: Sơ đồ khối hệ thống tích hợp, chuẩn hóa, lưu trữ và liên thông dữ liệu hồ sơ bệnh án điện tử.
Nói chung, quá trình kết nối dữ liệu được xây dựng lấy kho dữ liệu FHIR làm trung tâm, là nơi lưu trữ, tập trung các thông tin từ nhiều khối khác nhau theo cùng tiêu chuẩn HL7 FHIR. Điều này cho phép hồ sơ bệnh án điện tử có thể liên thông giữa các cơ sở khám chữa bệnh. Theo phương án ưu tiên này, khối cơ sở dữ liệu trung tâm 100 có các tài nguyên tương tác chăm sóc sức khỏe nhanh (FHIR - Fast Health Interoperability Resources) để nhập, xuất, và lưu trữ dữ liệu hồ sơ bệnh án điện tử sử dụng tiêu chuẩn dữ liệu hồ sơ bệnh án điện tử chung theo tiêu chuẩn quốc tế cung cấp giao thức chuẩn về quản lý, trao đổi và tích hợp dữ liệu y tế giữa các hệ thống thông tin y tế. Khối cơ sở dữ liệu trung tâm 100 được kết nối tới khối thông tin bệnh viện 200, khối phân tích xử lý xét nghiệm 300, khối tiếp nhận và trả kết quả hình ảnh 400, và khối bệnh án điện tử 500, để tích hợp và cập nhật dữ liệu hồ sơ bệnh án điện tử từ khối thông tin bệnh viện 200, kết quả xét nghiệm từ khối phân tích xử lý xét nghiệm 300, kết quả và/hoặc mô tả hình ảnh từ khối tiếp nhận và trả kết quả hình ảnh 400, để thu được dữ liệu hồ sơ bệnh án điện tử sử dụng tiêu chuẩn dữ liệu hồ sơ bệnh án điện tử chung nêu trên và lưu trữ tại khối cơ sở dữ liệu trung tâm 100. Ở đây, khối cơ sở dữ liệu trung tâm 100 có thể chứa cơ sở dữ liệu của một hoặc một nhóm bệnh viện hoặc cơ sở y tế, hoặc cũng có thể chứa cơ sở dữ liệu của một hoặc một số đơn vị trong bệnh viện hoặc cơ sở y tế.
Hình 2: Khả năng đáp ứng đầy đủ các thông tin dữ liệu theo quy định hồ sơ bệnh án hiện hành của ngành Y tế Việt Nam.
Đề tài/giải pháp góp phần
nâng cao hiệu quả hoạt động khám chữa bệnh trong bệnh viện, tăng tính linh hoạt
và tiết kiệm thời gian của bác sĩ và nhân viên y tế, nâng cao dịch vụ chăm sóc
sức khỏe cộng đồng như chủ trương của Chính phủ và Bộ Y tế, cũng như đào tạo và
sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành y tế. Trong quá trình thực hiện,
đề tài/giải pháp đã hướng dẫn thành công 04 sinh viên thực hiện luận văn tốt
nghiệp (LVTN), đào tạo và hướng dẫn sử dụng hệ thống phần mềm thử nghiệm bộ chuẩn
dữ liệu cho hơn 10 bác sĩ và nhân viên y tế tại 02 bệnh viện, đồng thời xuất bản
02 bài báo khoa học có liên quan đăng trên tạp chí và kỷ yếu hội nghị quốc tế
có uy tín. Đề tài/giải pháp còn có thể được sử dụng trong đào tạo và nghiên cứu
thông qua các bộ tài liệu mô tả các chuẩn quốc tế trong hồ sơ bệnh án điện tử
như HL7 FHIR, SNOMED CT, DICOM, v.v.
Đề tài/giải pháp đã đăng ký thành công (chấp nhận đơn hợp lệ) 01
giải pháp hữu ích “Quy trình thực hiện hệ thống tích hợp, chuẩn hóa, lưu trữ và
liên thông dữ liệu hồ sơ bệnh án điện tử” theo Quyết định số 2902w/QĐ-SHTT của
Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ ký ngày 23/02/2022.
Việc xây dựng mô
hình tích hợp các hệ thống danh pháp lâm sàng ICD-10, LOINC và đặc biệt là
SNOMED CT trong nhập liệu dữ liệu lâm sàng không chỉ có ý nghĩa trong việc cải
thiện tính chính xác của thông tin lâm sàng trong hồ sơ bệnh án điện tử so với
nhập liệu dạng văn bản tự do như hiện nay mà còn có giá trị rất lớn trong xây dựng
các giải thuật phần mềm về trí thông minh nhân tạo dựa trên nền tảng dữ liệu lớn
đã thu thập được, từ đó phát triển các hướng nghiên cứu về dữ liệu lớn cho
ngành y tế và xây dựng hệ thống phần mềm bệnh án điện tử thông minh, hệ thống
chẩn đoán y khoa thông minh.